Khi bị viêm tuyến tiền liệt, bệnh nhân thường có các triệu chứng kích thích là tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt, tiểu rớt giọt và có các triệu chứng bế tắc là tiểu khó, tiểu phải rặn, tiểu buốt, tiểu chậm - đi tiểu nhưng không tiểu được ngay, nặng nhất là bí tiểu (thường gặp khi viêm cấp tính). Ngoài ra, bệnh nhân có triệu chứng đau vùng trên xương mu, bẹn bìu, tiểu khung và tầng sinh môn. Có khi kèm rối loạn chức năng khi giao hợp như đau buốt khi xuất tinh hoặc rối loạn về sự co cứng dương vật. Để chẩn đoán một ca viêm tuyến tiền liệt rất khó. Thường bệnh nhân đến khám bệnh vì triệu chứng đau tức vùng sau xương mu hoặc vì những cảm giác khó chịu trong lúc tiểu. Trong khi những triệu chứng viêm tuyến tiền liệt này có trong nhiều bệnh lý khác của tuyến tiền liệt và bàng quang. Việc chẩn đoán khó còn do các xét nghiệm nhiều khi cho kết quả mơ hồ, có khi có vi trùng, có khi không... Vì vậy, chẩn đoán quan trọng nhất là phải thăm khám trực tràng và xoa bóp tuyến tiền liệt để lấy dịch mủ ra xét nghiệm tìm bạch cầu, tế bào viêm, vi trùng hoặc kháng thể kháng viêm. Những người có yếu tố nguy cơ cao bị viêm tuyến tiền liệt là người có tuyến tiền liệt to, người hay bị sỏi thận, người hay bị nhiễm trùng đường tiểu và người có những bế tắc đường tiểu dưới như hẹp bao quy đầu. Một trong những yếu tố làm việc điều trị viêm tuyến tiền liệt trở nên khó khăn là “hàng rào” mô của tuyến tiền liệt ít cho kháng sinh thâm nhập. Vì vậy, kháng sinh chỉ vào được tuyến tiền liệt khoảng 10-20% hàm lượng thuốc uống nên phải kéo dài thời gian điều trị thuốc có khi lên đến 12 tuần. Thậm chí một số trường hợp khi điều trị bác sĩ phải đeo găng, đưa tay vào hậu môn bệnh nhân để xoa bóp tuyến tiền liệt cho chảy mủ ra, bơm nitrate bạc vào niệu đạo. Sau đó kết hợp uống thuốc kháng sinh. Việc điều trị này phiền phức cho cả bác sĩ, bệnh nhân và ít bác sĩ biết điều trị đúng cách vì bác sĩ nội khoa thì không rành việc xoa bóp, còn bác sĩ ngoại khoa thì thường chỉ chú ý đến những bệnh nhân cần phẫu thuật.