Nếu bạn chuẩn bị trở thành một sinh viên năm nhất, hãy khoan vội đi làm thêm vì 3 lý do sau đây... Tư tưởng đó rất đúng, nếu bạn là sinh viên, lời khuyên tốt nhất chính là hãy đi làm thêm nếu có thể, nhưng bạn phải biết thời gian nào mới thích hợp. Tại sao bạn nên khởi nghiệp 1 lần trong đời, cho dù có thành hay bại, đọc ngay http://cafef.vn/4-li-do-nen-lam-viec-cho-startup-1-lan-trong-doi-20190228162143891.chn Nếu bạn chuẩn bị trở thành một sinh viên năm nhất, hãy khoan vội đi làm thêm vì 3 lý do sau đây: Hãy tập làm quen với môi trường học tập mới! Có thể nói cấp ba chúng ta được học tập trong một môi trường có những “chỉ dẫn rõ ràng, có sự quan sát và theo dõi của giáo viên“ nhưng khi lên đến đại học, chúng ta phải tự tìm ra được hướng đi riêng cho mình và bạn sẽ phải tự lên một kế hoạch học tập trong thời gian sắp tới. Không ít sinh viên năm nhất cảm thấy hụt hẫng và không theo kịp chương trình đại học, không phải vì bạn không giỏi mà chính là vì sự thay đổi của môi trường khiến bạn chưa hoàn toàn thích ứng được . Lên đại học, sẽ không ai nói chúng ta rằng nội dung bài học đó rất quan trọng, chúng ta cần phải ghi chép lại, sẽ không ai soạn sẵn cho chúng ta những tờ đề cương chi tiết như những năm cấp ba và cũng sẽ không có ai nhắc nhở chúng ta rằng: “ Kỳ thi đang đến gần , hãy chăm chỉ học tập lên nào...“cả. Tất cả những điều đó, chúng ta đều phải tự làm cho bản thân mình. Vì vậy, hãy khoan vội việc đi làm thêm, hãy tự cho chúng ta một khoảng thời gian nhất định để thích nghi hoàn toàn với môi trường mới. Hãy dành thời gian để đi khám phá xung quanh trường, tìm xem văn phòng khoa của mình ở đâu, tìm xem thư viện của trường ở đâu, bên trong thư viện có những loại sách gì hay trường của bạn đang theo học có học bổng hay các hoạt động gì không. Những điều đó tưởng chừng như đơn giản , nhưng lại giúp ích khá nhiều cho bạn sau này đấy. Dành thời gian giao lưu và kết bạn nhiều hơn Cấp ba và đại học hoàn toàn khác nhau, một điều hiển nhiên là khi đến một môi trường mới chúng ta sẽ gặp được những người mới, vì vậy hãy giành thời gian để giao lưu và làm quen với mọi người xung quanh. Bạn bè sẽ là những người cùng ta trải qua suốt 4 năm đại học, hãy khoan vội kiếm một việc làm thêm mà hãy dành thời gian để tìm hiểu và kết bạn với những người bạn trong lớp, có khi bạn lại có thể tìm thấy một đứa bạn “tâm đầu ý hợp“ thì sao. Nếu như bạn cảm thấy buồn chán với một thời khóa biểu chỉ có “đến trường học tập, gặp gỡ bạn bè và đi về nhà như vậy“, tại sao bạn không thử tham gia các câu lạc bộ và các hoạt động, sự kiện của trường hay đoàn? Điều đó không chỉ giúp bạn dễ thích nghi với môi trường mới, mở rộng mối quan hệ, tự tin và năng động hơn... và ngoài ra bạn hoàn toàn có thể ghi những sự kiện bạn đã tham gia vào CV xin việc của bạn sau này . Một điều nữa chính là, các câu lạc bộ ở trường đại học rất đa dạng và thú vị, từ ca hát, thể thao, chụp ảnh hay chơi nhạc cụ… bạn hoàn toàn có thể lựa chọn để tham gia vào. Bạn biết không, các nhà tuyển dụng thường rất cân nhắc những CV xin việc có thành tích nhất định trong học tập và các hoạt động ngoại khóa đấy. Chúng ta còn rất nhiều thời gian phía trước Đa số các bạn sinh viên khi chọn đi làm thêm đều vì những lý do như lấy thêm kinh nghiệm, phụ giúp một phần nào đó học phí, hay chi phí sinh hoạt trong những năm đại học. Điều đó hoàn toàn đúng, nếu bạn đang là sinh viên, hãy cố gắng đi làm thêm vì có những kiến thức và kỹ năng chúng ta chỉ có thể thu được từ quá trình làm việc ngoài xã hội, nhưng chúng ta phải biết khoảng thời gian nào mới là thích hợp. Bạn sẽ khó lòng xoay sở khi vừa phải thích nghi với môi trường mới, phương pháp học tập mới và công việc làm thêm của mình. Cũng giống như những đứa trẻ nhỏ, trước khi muốn học cách để chạy thì chúng phải vững vàng từ những bước đi đầu tiên. Bạn T.Trang - một sinh viên năm 3 ĐH cho biết: “Sau khi đậu vào đại học, mình đã xin vào làm part- time tại một quán café . Khi hết ca làm về đến nhà, mình chỉ muốn nhanh chóng đi ngủ, chẳng còn tâm trí nào để học hành nữa, kết quả là học kỳ đầu tiên của năm nhất điểm số của mình chỉ lẹt đẹt ở mức trung bình“ Sau khi thi xong đại học, hãy dành cả mùa hè đó để thư giản và nghỉ ngơi vì bạn đã mệt mỏi và cố gắng rất nhiều rồi, hãy xem như đó là một thời gian bạn tự thưởng cho bản thân mình sau những ngày tháng ôn thi vất vả và sau đó chúng ta sẽ lại bắt đầu một cuộc hành trình mới, một giai đoạn học tập mới. Suốt bốn năm đại học, trung bình chúng ta có 8 học kỳ, vì vậy hãy dành ra một học kỳ đầu tiên để làm quen với mọi thay đổi xung quanh. Chúng ta không có quá ít thời gian để bạn phải gấp rút nhanh chóng kiếm việc làm thêm như vậy, hãy phân bố thời gian một cách hợp lý và rõ ràng để bạn có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong học tập lẫn công việc làm thêm của mình. Những chia sẻ từ các bạn sinh viên Đa số khi được hỏi về điều gì nên cân nhắc trước khi đi làm thêm, các bạn sinh viên đều cho rằng: Cân bằng thời gian và việc học là quan trọng nhất, và nếu bạn không thể làm tốt cả hai thứ cùng một lúc thì hãy ưu tiên việc học trước. Bạn L.An chia sẻ: “Hồi trước mình có làm trong một tiệm bánh khá nổi tiếng, với mức lương là 11 ngàn đồng/h và yêu cầu nhân viên không được phép ngồi trong suốt thời gian làm việc. Tối về là mình lao ngay đi ngủ, bài vở mình vứt qua một bên hết. Nhìn điểm số trong lớp thấp hẳn, với đi làm cực quá cũng nản lắm, nên mình ráng làm hết tháng đó rồi xin nghỉ, tập trung lại việc học. Qua năm hai thì trường mình cho học sinh tự đăng ký thời khóa biểu nên mình cũng sắp xếp lại thời gian hợp lý để vừa đi học vừa đi làm“. Không chỉ dừng lại ở việc cân bằng thời gian , nếu bạn thật sự muốn đi làm thêm hãy bảo đảm rằng bạn đã tìm hiểu kỹ về nơi làm việc, vì đã có không ít trường hợp các bạn sinh viên bị rơi vào bẫy của những công ty lừa đảo. Như trường hợp của bạn H.Quân: “Hồi năm nhất mình cũng ham đi làm lắm,nghĩ là lớn rồi cũng nên phụ giúp gia đình .Có một bữa ngồi lướt facebook, mình thấy bài đăng tuyển nhân viên cho hệ thống cửa hàng tiện lợi, mức lương cũng ổn, điều kiện tuyển dụng cũng không gắt gao lắm, không đòi hỏi kinh nghiệm gì cả. Mình mừng lắm, cũng nộp đơn xin việc rồi được gọi đi phỏng vấn, nhưng hóa ra đó lại là một công ty lừa đảo, mình vừa mất gần 400 ngàn mà vừa chẳng có việc làm“. Kết Đi làm thêm cũng chính là một phần trải nghiệm không thể thiếu trong những năm tháng thời sinh viên, không chỉ dừng lại ở việc kiếm tiền mà nó còn mang lại cho bạn những kỹ năng và bài học thực tế quý giá, nhưng cũng đừng vì vậy mà quá gấp rút bạn nhé. Rồi sẽ đến một thời điểm, khi mà bạn đã có thể tự cân bằng và thích nghi tốt với môi trường Đại học, lúc đó tìm kiếm một công việc làm thêm cũng không muộn. Nguồn: baodansinh.vn