Trở về Việt Nam sau gần 5 năm du học, mình đã có cơ hội trải nghiệm quá trình ứng tuyển, phỏng vấn, xin việc rồi lại nhảy việc để đến với những cơ hội kế tiếp. Sau mỗi lần như vậy, mình lại nghiệm ra được những bài học “xương máu”. Facebook cũng quan trọng lắm đấy! Sau một lần phỏng vấn xin việc cho vị trí Biên tập viên cho một tờ báo, mình đã được người tuyển dụng “add” Facebook ngay sau đó (vì Facebook mình không ở chế độ mở công khai). Tất nhiên là người tuyển dụng đã không tiết lộ lí do tại sao muốn kết bạn với mình, nhất là khi quyết định tuyển dụng cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Có lẽ vì họ muốn việc liên hệ sau này sẽ diễn ra trên Facebook? Có khi tại mình đã đề cập đến mạng lưới quan hệ rộng rãi của mình nên người đó muốn kiểm chứng độ xác thực trên mạng xã hội? Hoặc có lẽ đơn giản vì họ thấy thích thú với cuộc sống của mình nên muốn tìm hiểu kĩ hơn? Dẫu là lí do gì đi nữa, thì điều này cũng chỉ ra một thực tế là nhà tuyển dụng đang để ý nhiều hơn đến cách bạn thể hiện trên trang cá nhân của mình. Kinh nghiệm rút ra: Xu hướng kiểm tra thông tin của ứng viên trên các mạng Xã hội và mạng chuyên nghiệp như Facebook, Linkedin, Viadeo của các nhà tuyển dụng đang ngày càng lan rộng. Thế nên, tốt nhất là bạn hãy để ý tới tài khoản trực tuyến ngay từ những bức ảnh được gắn thẻ ảnh hay những ngôn từ mà mình sử dụng. Bạn đang trong hoàn cảnh bị đồng nghiệp ghen ghét, phải làm sao đây, đọc thêm http://phununews.vn/ghen-ti-noi-cong-so-ung-xu-sao-cho-kheo-526074.htm Luôn có một vị trí nào khác đằng sau vị trí tuyển dụng chính thức Tình huống này mình đã gặp không chỉ một mà những hai lần. Lần thứ nhất là khi mình dự tuyển công việc biên tập viên ở tòa soạn chính thức, nhưng sau đó lại được đề nghị làm phóng viên thường trú ở địa phương mình đang sinh sống. Lần thứ hai, mình đăng kí cho vị trí chuyên viên quan hệ công chúng của một trường Đại học, nhưng sau đó lại được chính nhà tuyển dụng định hướng sang một công việc khác. Trong buổi phỏng vấn qua skype ngày hôm đó, nhà tuyển dụng đã đưa ra lí do là vì họ nhìn thấy những kiến thức và kinh nghiệm trong CV của mình thích hợp với công việc của một chuyên viên truyền thông hơn. Kết quả là họ đã đề nghị mình đến gặp trực tiếp để có thể trao đổi rõ hơn về một vị trí mà theo lời của người đó là “chính anh cũng không biết chức danh chính thức sẽ là gì, chỉ biết nó vừa đảm nhiệm công việc phát triển quan hệ với các đối tác nước ngoài, vừa sử dụng được cả kĩ năng truyền thông và viết lách của em”. Kinh nghiệm rút ra: Hãy thoải mái trả lời phỏng vấn như một cuộc chuyện trò giữa những người bạn. Đừng tỏ ra là bạn bị “khớp” trước vai trò của người đối diện, bởi vì khi đó bạn sẽ không “khoe” ra được những giá trị của bản thân. Một người tuyển dụng tài ba sẽ sớm nhìn thấy ở bạn những tố chất cần thiết cho công việc đó, hoặc là một công việc khác mà chỉ “nội bộ” mới biết. Không được nhận không có nghĩa là dấu chấm hết Mình quan niệm rằng, phỏng vấn xin việc là một trải nghiệm mà bản thân mình “đắc lợi” nhiều nhất, dù kết quả cuối cùng mình có được nhận vào làm hay không. Này nhé, bạn sẽ được rèn luyện kĩ năng trả lời phỏng vấn để những lần sau không bị khớp như lần đầu, làm quen với nhiều dạng câu hỏi khác nhau, hiểu rõ hơn về các điểm mạnh cũng như hạn chế của mình, tiếp xúc nhiều hơn với người đại diện của các lĩnh vực khác nhau, và quan trọng là xây dựng được một mối quan hệ hoặc chí ít là có thông tin liên lạc của người phỏng vấn. Lần phỏng vấn xin làm copy writer bán thời gian cho một trung tâm văn hóa của nước ngoài, mình đã không được nhận vì lí do không thể đến văn phòng làm việc mỗi ngày. Tuy thế, đại diện của trung tâm vẫn nói rằng chị ấy rất muốn được tiếp tục giữ liên lạc với mình để có thể đề xuất những cơ hội hợp tác chính thức phù hợp hơn. Và như vậy, ít nhất mình cũng đã “gieo rắc” cho bản thân một cơ hội nhờ mối quan hệ được ươm mầm ở hiện tại. Kinh nghiệm rút ra: Không phải dễ dàng để có được cơ hội trò chuyện với lãnh đạo một tổ chức, doanh nghiệp. Những lúc như thế này, mình luôn thoải mái nhất có thể để cho họ thấy được khả năng của bản thân, thậm chí còn hỏi ngược lại họ về hồ sơ của mình để xin đánh giá trực tiếp từ người có kinh nghiệm tuyển dụng. Mình xem phỏng vấn như một cuộc hẹn hò đầu tiên, khi mà cả hai phía có thể quan sát và cảm nhận những ấn tượng đầu tiên về nhau. Hãy nghĩ là bạn cần công việc đó và người ta đã đồng ý phỏng vấn với bạn nghĩ là người ta cũng đang cần bạn. Nghĩ được như vậy thì bạn sẽ tự tin với cuộc hẹn ấy! Nguồn: http://soha.vn/