Một bản CV xin việc đầy đủ các yếu tố của bạn sẽ giúp con đường xin việc thành công hơn. Tuy nhiên, khi bạn mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm thì phải làm thế nào? Bài viết này chia sẻ cách viết đơn xin việc cho người mới ra trường và người chưa có kinh nghiệm, mời bạn xem nhé! 1. Thông Tin Cá Nhân Họ và tên, giới tính, năm sinh, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Lưu ý: Bạn nên chọn một E-mail “nghiêm túc”, ví dụ như nguyenvana@yahoo.com (hoặc @gmail.com) hoặc một email tương tự kiểu như thế để sử dụng xin việc làm cũng như sử dụng lâu dài trong quá trình làm việc sau này. – Đừng bao giờ sử dụng những email kiểu deptraikhonglangnhang@… langtuvotinh@… Girlxinhvaratthongminh@… những E-mail như vậy sẽ gây mất thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên của nhà tuyển dụng, đơn giản vì họ cảm thấy bạn không nghiêm túc và thấy bị coi thường. 2. Học Vấn Cao học (Đại học), chuyên ngành, năm tốt nghiệp, các khóa ngắn hạn có liên quan. Thành tích nổi bật, cho kèm bằng khen (nếu có). Các văn bằng chứng chỉ liên quan tới yêu cầu công việc mà bạn ứng tuyển như: tin học văn phòng, bằng tiếng Anh ( A, B, C, TOEIC…). 3. Kinh Nghiệm Làm Việc Và Thành Tích Các thông tin đi kèm dưới mỗi vai trò bạn đã trải qua không nên quá đơn giản chỉ là một bản tóm tắt mô tả công việc trước đó. Hãy nêu rõ vị trí, công việc và các thành quả đạt được trong công việc, bạn đã làm những gì để được thành quả đó. Thêm kinh nghiệm bán thời gian hoặc tình nguyện. Nếu bạn mới ra trường chưa từng đi làm thì những kinh nghiệm trong công tác trường lớp, đoàn hội, đi làm thêm, part-time cũng nên đưa vào để nhà tuyển dụng có thể đánh giá được sâu hơn kĩ năng và con người của bạn. Hãy làm nổi bật các hoạt động bạn đã từng tham gia/tổ chức, nhất là khi những hoạt động đó có liên quan trực tiếp đến công việc bạn đang ứng tuyển. Đây là phần rất quan trọng trong CV xin việc của bạn vì nó thể hiện những điều bạn đã làm được, cá tính con người bạn. Nỗi sợ phổ biến khi ứng viên đi xin việc là gì, tham khảo bài viết thú vị này nhé http://www.yan.vn/doi-mat-voi-5-noi-so-pho-bien-khi-tim-viec-178626.html 4. Các Kỹ Năng có liên quan đến công việc mà bạn cần có trong CV xin việc thông dụng Các kỹ năng này nên liên quan tới công việc bạn đang ứng tuyển, không nêu một cách sáo rỗng mà nên chứng minh nó qua các hoạt động, công việc bạn đã làm và nghĩ xem bạn có kỹ năng đó nhờ đâu hay đã được ứng dụng vào công việc gì rồi. 5. Sở Thích Phần này cũng góp phần thể hiện con người, cá tính riêng của bạn, nên trình bày chính xác với thực tế con người bạn và phù hợp với công việc bạn ứng tuyển. Đừng nên ghi kiểu bạn thích đọc sách nhưng thực tế thì không như vậy, tới khi nhà tuyển dụng hỏi tới sách gì? Nhà văn nào? Thể loại nào bạn lại không thể trả lời được thì thật là trớ trêu. Tạo một CV ấn tượng là cần thiết, tuy nhiên phải thực sự ấn tượng đúng với con người của bạn, không nên tìm cách thể hiện bản thân một cách hoàn mỹ, hình mẫu không đúng với bản chất của mình, điều đó sẽ bị nhà tuyển dụng phát hiện ngay khi đọc CV hoặc phỏng vấn bạn. 6. Thông Tin Người Tham Khảo Khi bạn mua một món hàng bất kỳ, bạn đều cần những thông tin tham chiếu từ bạn bè, người thân… CV cũng vậy, những thông tin mà bạn đưa đến cho Nhà tuyển dụng, họ cũng cần những thông tin tham chiếu về bạn – từ thông tin Người tham khảo. Khi bạn là người đã đi làm thì Người tham khảo ở đây là Sếp, đồng nghiệp nơi bạn từng làm việc. Hoặc bạn là sinh viên mới ra trường thì Người tham khảo sẽ là Cố vấn học tập, hoặc Giáo viên hướng dẫn luận văn của bạn. Tuy nhiên, nếu thông tin Người tham khảo là cha mẹ, hoặc bạn bè của bạn thì mức độ tham chiếu của bạn không được cao. Cuối cùng, trước khi bạn điền thông tin Người tham khảo vào CV của mình, hãy xin phép họ trước nhé. Lưu ý tránh những lỗi thông thường sau: Nếu bạn muốn nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt với bạn ngay từ vòng CV, bạn nên tránh các lỗi thông thường sau: – Không có bằng chứng đầy đủ Những thông tin vô căn cứ sẽ không được chấp nhận. Bạn nên chứng minh bạn có những gì nhà tuyển dụng cần để đưa ra ví dụ trong CV của mình. Ví dụ: Một mẫu dự án bạn đã thực hiện và thành công, các văn bằng chứng chỉ… – Quá chung chung Nhiều ứng viên thường chỉ viết CV xin việc theo một mẫu chung chung vì họ muốn giữ những lựa chọn khác nữa của họ, trừ khi bạn thể hiện một cách rõ ràng mình là ai và bạn làm được điều gì và mình có gì phù hợp với công việc đang ứng tuyển với một CV chung chung như vậy, sẽ chẳng để lại ấn tượng gì cho nhà tuyển dụng và chả có lý do gì để họ chọn bạn. – Lỗi chính tả Nhiều CV xin việc có các lỗi chính tả và thường bị loại ngay từ đầu. CV của bạn cần phải hoàn hảo nếu bạn muốn chứng minh tính chuyên nghiệp và thể hiện sự chú ý đến từng chi tiết của bạn. Viết những gì đúng sự thật và ngắn gọn dễ nhìn và quan trọng nhất tạo thiện cảm khi đọc với nhà tuyển dụng. Chỉ cần một vài kỹ năng hoặc mẹo nhỏ cùng với chút kiến thức chuyên ngành. Bạn sẽ dễ dàng thuyết phục được nhà tuyển dụng. Nguồn: http://cafef.vn/