Bài viết sau đây, văn phòng luật sư Lawkey sẽ nêu ra những việc vi phạm bản quyền âm nhạc và đĩa quang (đĩa CD) và giải pháp khắc phục việc này. Vi phạm bản quyền âm nhạc Ta có thể nhận dạng hoạt động vi phạm bản quyền âm nhạc trên các loại đĩa là hành vi sao chép không được phép bản ghi âm của chủ thể quyền, bao gồm cả trang trí bìa, nhãn hiệu thương mại hoặc trình bày tương tự như sản phẩm thật, để lừa đảo người tiêu dùng, nhằm mục đích thu lợi. Hành vi định hình, nhân bản và lưu hành các chương trình biểu diễn ca nhạc trực tiếp, gián tiếp, chương trình phát sóng không được phép của người biểu diễn, tổ chức phát sóng, kể cả sao chép điện tử cũng là hành vi vi phạm bản quyền âm nhạc. Tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc không giới hạn trong phạm vi biên giới quốc gia, mà đã trở thành vấn đề mang tính quốc tế. Từ nhận thức đó, cả thế giới đã có nhiều nỗ lực trong cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc và đĩa quang*. Trên 1 tỷ album nhạc vi phạm bản quyền đã được tiêu thụ trên toàn thế giới. Có tới 37% tổng số album nhạc được phát hành vi phạm bản quyền, với giá trị thiệt hại 4,5 tỷ USD. Trong năm 2005, mức vi phạm là 37% với tổng giá trị hàng hoá là 4,6 tỷ USD. Trong năm cả thế giới đã thu 82,1 triệu đĩa, trong đó 7,5 triệu đĩa CD, 4,4 triệu đĩa DVD, 65,5 triệu đĩa CD-R đã ghi, 4,7 triệu đĩa DVD – R đã ghi. Ngoài ra còn tịch thu 78 dây chuyền sản xuất đĩa quang, 48,7 triệu đĩa CD-R trắng, 13,65 triệu đĩa DVD-R trắng, 40.202 ổ ghi CD-R, 10.905 ổ ghi DVD-R. Trong số đĩa thu vì vi phạm bản quyền, 80% có nguồn gốc từ châu Á. Kinh nghiệm của các quốc gia đã chỉ ra, hành vi sao chép lậu ở mọi chỗ, mọi nơi, từ nhà máy, công sở, địa điểm kinh doanh, đến nhà riêng, trên tàu bè, các phương tiện giao thông trong bất kỳ thời gian nào; vận chuyển chuyên chở trên mọi phương tiện giao thông, kể cả giao thông công cộng như xe Bus. Có trường hợp bọn tội phạm còn thiết kế cả tàu thuỷ chuyên dùng với các container hàng có thể cắt thả hàng vi phạm xuống đáy biển để phi tang khi gặp các nhà chức trách. Theo IFPI thì nạn vi phạm bản quyền âm nhạc có mối liên hệ với tội phạm có tổ chức. Nguồn thu từ hoạt động vi phạm nuôi dưỡng các hoạt động tội phạm khác, truyền bá văn hoá phản động, đồi truỵ, đâm thuê chém mướn, trốn thuế, tham nhũng và rửa tiền. Có trường hợp bọn tội phạm đã dùng đĩa CD để che giấu heroin. Nhận dạng đĩa vi phạm bản quyền âm nhạc Để phân biệt đĩa sao chép trái phép, cần đối chiếu các thông tin về tên nhà sản xuất và tác giả, tác phẩm âm nhạc, tên nghệ sĩ biểu diễn, tên đĩa, danh mục tác phẩm, giấy phép sao chép của tổ chức quản lý tập thể, nhãn hiệu hàng hoá, số của sản phẩm và thông tin về quản lý quyền ©, ®, cùng các cảnh báo về bản quyền. Chúng ta sẽ không thể chỉ nghi ngờ mà có thể khẳng định là đĩa định hình hoặc sao chép bất hợp pháp, khi nó không có nhãn mác, giá thấp, kém chất lượng, có lỗi về chính tả trên nhãn mác, không có mã SID Code nhận dạng nguồn gốc được in trên đĩa bao gồm mã khuôn có ký hiệu IFPI 0776 là mã đăng ký của nhà sản xuất đĩa và mã đăng ký của nhà sản xuất âm nhạc có ký hiệu là LBR. Nguyên nhân vi phạm bản quyền âm nhạc trên các loại đĩa Có thể nhận thấy nguyên nhân của tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc từ thiếu nhận thức đúng đắn và đầy đủ, thiếu ý thức chính trị; pháp luật chưa đầy đủ, hình phạt và mức hình phạt thiếu tính giáo dục, răn đe, thiếu quan tâm tới đấu tranh phòng chống tội phạm quyền Sở hữu trí tuệ. Điều quan trọng cần nhận thức đầy đủ để có biện pháp phù hợp đó là lợi nhuận rất hấp dẫn các tổ chức, cá nhân vụ lợi, đặc biệt là các tập đoàn tội phạm. IFPI đặc biệt quan tâm tới nguyên nhân bắt nguồn từ việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bất hợp pháp đĩa quang. Nó được sử dụng cho nhiều nhu cầu khác nhau, trong đó có việc lưu trữ tư liệu cá nhân, hồ sơ tài liệu cơ quan, doanh nghiệp, nhưng nó là bán sản phẩm của các sản phẩm sao chép vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng. Theo IFPI thì khả năng sản xuất đĩa quang của thế giới là 60 tỷ đĩa, trong khi nhu cầu hợp pháp chỉ cần 20 tỷ đĩa **. Giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền âm nhạc Để khắc phục tình trạng vi phạm trên, không có giải pháp nào là “cây đũa thần", điều này có nghĩa không có một giải pháp duy nhất đúng, mà phải áp dụng đồng thời nhiều giải pháp khác nhau. Bài viết này chỉ đề cập tới một giải pháp mà thế giới đã áp dụng và khuyến cáo Việt Nam áp dụng. Từ các nguyên nhân trên, yêu cầu đặt ra phải có các quy định để quản lý đĩa quang. Trong các năm qua, nhiều chương trình Hội thảo về vấn đề này đã được tổ chức với sự hợp tác của IFPI, Ban thư ký ASEAN và Cơ quan nhãn hiệu và sáng chế Hoa Kỳ, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý và thực thi của Việt Nam. Với sứ mệnh cao cả của mình, IFPI đã đưa ra luật mẫu, đồng thời tư vấn cho các Chính phủ trong việc ban hành Luật quốc gia để quản lý đĩa quang. Hiện nay, tại khu vực châu Á đã có 9 quốc gia, vùng lãnh thổ có văn bản luật quy định về quản lý đĩa quang. Tuỳ theo điều kiện kinh tế - văn hoá – xã hội và truyền thống lập pháp mà các quốc gia và vùng lãnh thổ có hình thức văn bản luật khác nhau. Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Đài Loan thì ban hành Đạo luật. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Indonesia cũng có văn bản quy định về vấn đề này. Tại Việt Nam, với nhận thức tăng cường thúc đẩy thực thi có hiệu quả trong thực tế về quyền tác giả, quyền liên quan, tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đi trước và tư vấn của IFPI, việc ban hành văn bản để điều chỉnh các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, lưu hành đĩa quang và việc sử dụng đĩa quang để định hình, sao chép tác phẩm thuộc quyền tác giả, cuộc biểu diễn, chương trình ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc quyền liên quan là rất cần thiết. Bộ Văn hoá – Thông tin, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa vào chương trình và lập Tổ nghiên cứu biên soạn Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tại Đà Lạt, trong các ngày từ 10 đến 11 tháng 8 năm 2007, Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật đã phối hợp với IFPI và Ban quản lý Dự án STAR tổ chức Hội thảo về quản lý đĩa quang. Tham dự có đại diện của các bộ, ngành thuộc Trung ương, các cơ quan quản lý và thực thi. Tại Hội thảo, đại diện Tổ nghiên cứu soạn thảo Nghị định đã giới thiệu những nội dung chính của Dự thảo lần thứ nhất để lấy ý kiến. Công việc quan trọng này đang được tiếp tục thực hiện với mong muốn nhận được sự ủng hộ và góp ý của các tổ chức và cá nhân. Nội dung có thể tham khảo: đăng ký thương hiệu bao nhiêu tiền.