Bé tăng cân đều đặn, chân tay mũm mĩm vẫn có thể mắc bệnh còi xương thể bụ bẫm. Đây là bệnh lý trẻ thường gặp. Vậy mẹ đã biết cách nhận biết và phòng ngừa căn bệnh này chưa? Bệnh còi xương là gì? Còi xương là một dạng bệnh rối loạn sự phát triển hệ xương ở trẻ em, do thiếu vitamin D trong cơ thể. Bệnh ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành và phát triển xương của trẻ, làm xương mềm và suy yếu. Trẻ dưới 1 tuổi rất dễ mắc bệnh còi xương. Đây là giai đoạn hệ xương phát triển nhanh, nếu cơ thể không cung cấp đủ năng lượng và vi chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển sẽ dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng. Bệnh còi xương ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ thế nào? Trẻ mắc phải bệnh còi xương sẽ kém phát triển chiều cao, thấp bé. Trẻ dễ bị vẹo cột sống, vẹo xương, dễ mắc các bệnh về hô hấp và thần kinh do hệ xương bị chèn ép. Đối với bé gái, nếu bị còi xương thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xương chậu, gây khó khăn cho việc sinh sản khi trưởng thành. Bệnh cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, trạng thái tinh thần và sự hoạt bát của trẻ. Phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ Để phòng ngừa bệnh còi xương cần cho trẻ bú mẹ, ăn bổ sung các chất dinh dưỡng đặc biệt là thực phẩm giàu vitamin D và canxi như: Trứng, sữa, gan, tôm, cua, cá… Hằng ngày mẹ nên tắm nắng cho trẻ từ 15 đến 20 phút trong khoảng 7-9h sáng. Ánh nắng chiếu trực tiếp lên da trẻ mới có tác dụng, mẹ cần để lộ tay, chân, lưng và bụng của bé ra ngoài khi tắm. Đồng thời, mẹ cũng có thể cho trẻ dùng thêm thực phẩm bổ sung canxi và vitamin D. Nguồn: Con đang lớn khôn